Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Muốn nhập xe ôtô, doanh nghiệp phải có thêm giấy chứng nhận về môi trường

Ngày 5/9, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải góp ý về dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

Ngoài yêu cầu bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, Bộ Công Thương muốn bổ sung thêm quy định về bảo vệ môi trường với ôtô nhập khẩu



Nhất trí về Thông tư mà Bộ Giao thông vận tải đang soạn thảo, Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc ban hành Thông tư trên là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật bảo vệ môi trường 2014.
Điểm đáng lưu ý được Bộ Công Thương nêu trong văn bản góp ý, là đề nghị bổ sung thành phần hồ sơ đối với doanh nghiệp nhập khẩu ôtô. Theo đó, cơ quan này muốn bổ sung thêm Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường hoặc giấy tờ tương đương đối với ôtô nhập khẩu.
muon-nhap-oto-doanh-nghiep-phai-co-them-giay-chung-nhan-ve-moi-truong
Điều kiện để doanh nghiệp nhỏ muốn nhập khẩu ôtô ngày càng khắt khe
Lập luận được Bộ này đưa ra, rằng nếu các xe nhập khẩu không có giấy chứng nhận trên thì thủ tục để chứng nhận cho xe nhập khẩu hoàn toàn giống như xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
"Việc này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước do các doanh nghiệp trong nước cần đầu tư nhà xưởng, thiết bị kiểm tra xe xuất xưởng và đường thử xe theo quy định; trong khi các nhà nhập khẩu không phải đầu tư các hạng mục này", văn bản của Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Với đề nghị này, đồng nghĩa ngoài yêu cầu phải có bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng được quy định tại dự thảo Thông tư, doanh nghiệp muốn nhập khẩu ôtô sẽ phải có thêm Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường hoặc các loại giấy tờ có giá trị tương đương.
Song song đó, cơ quan "sở hữu" Thông tư 20 về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp nhập khẩu ôtô gây tranh cãi cũng đề nghị bổ sung cụ thể số lượng bản sao các thành phần hồ sơ phải đăng ký kiểm tra nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị nhập khẩu hoàn thiện hồ sơ.
Trong một văn bản góp ý của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, cơ quan này đề nghị Bộ Giao thông vận tải bỏ quy định doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải có Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.
So sánh với quy định phải có Giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương, VCCI đánh giá, quy định tại dự thảo của Bộ Giao thông vận tải “sẽ có tác động không khác gì”. Bởi lẽ, thay vì Giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho từng doanh nghiệp nhập khẩu xe, nay giấy tờ mới này cũng sẽ do nhà sản xuất cấp cho từng chiếc xe.
“Quy định này cũng sẽ chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu xe trực tiếp từ nhà sản xuất mà loại bỏ các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua nhà phân phối. Đồng thời, các chi phí phát sinh cuối cùng sẽ được chuyển vào giá bán phương tiện đến tay người tiêu dùng”, VCCI nhận xét.

Người giàu ở Sài Gòn săn nhà mặt phố làm kênh trú ẩn an toàn

Căn nhà phố này có diện tích đất 90m2, quy mô một trệt, 3 lầu giá cho thuê gần 3.000 USD mỗi tháng. Theo tính toán của anh Phúc, tiền gửi tiết kiệm hàng năm anh thu được từ dòng vốn này đạt gần một tỷ đồng, cao hơn tiền cho thuê căn nhà mặt phố (chỉ thu khoảng 700 triệu đồng một năm).

Anh Phúc (39 tuổi) là giám đốc công ty thực phẩm, vừa rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng nhiều năm mua căn nhà phố mặt tiền 18 tỷ đồng ở đường Trần Quang Khải, quận 1, TP HCM, bất chấp giá thuê khiêm tốn so với lãi suất dài hạn.

Thế nhưng anh vẫn chọn đổ tiền vào bất động sản này vì mục tiêu tìm kênh trú ẩn an toàn.

Vị giám đốc phân tích, giá trị căn nhà mặt tiền chắc chắn bền vững và còn hứa hẹn tăng lên theo thời gian sẽ bù đắp cho khoản tiền bị hụt so với gửi nhà băng. Ngoài ra, giá thuê cũng sẽ được điều chỉnh định kỳ theo cam kết trong hợp đồng nên cũng có thêm một khoản kha khá.
"Gửi ngân hàng vợ chồng tôi chấp nhận mất giá đồng tiền nhưng từ khi các sự cố ngân hàng xảy ra, gia đình quyết dịch chuyển toàn bộ dòng tiền nhàn rỗi này vào nhà phố mặt tiền vì mục tiêu ăn chắc mặc bền", anh Phúc nói.
Tương tự, chị Hòa là giám đốc tài chính công ty hàng gia dụng nước ngoài tại TP HCM cũng chọn nhà phố mặt tiền làm kênh trú ẩn an toàn cho dòng vốn lớn. Đầu quý III/2016, gia đình chị đã gom toàn bộ dòng tiền nhàn rỗi tại nhà băng, bán một căn nhà phố hẻm xe hơi và 2 căn hộ cao cấp tại quận 7 để dồn tiền mua căn nhà phố mặt tiền đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh trị giá 15 tỷ đồng. 
nguoi-giau-sai-gon-san-nha-mat-pho-lam-kenh-tru-n-an-toan
Những người có trong tay dòng vốn chục tỷ trở lên đang mạnh tay đầu tư nhà phố mặt tiền vì cho rằng đây là kênh trú ẩn an toàn. Ảnh: Vũ Lê
Căn nhà phố này tọa lạc trên khu đất rộng 75 m2, quy mô một trệt 2 lầu và một sân thượng, giá thuê vừa chốt được đầu tháng 9/2016 là 35 triệu đồng một tháng, được điều chỉnh tăng giá 2 năm một lần. Chị Hòa tiết lộ: "Chúng tôi không quá quan tâm đến dòng tiền thu về hàng tháng mà chủ yếu chọn kênh đầu tư ổn định, giữ được giá trị tài sản, nếu tăng giá theo thời gian thì càng tốt".
Hành nghề môi giới nhà phố lẻ tại TP HCM gần 5 năm, anh Nguyên tiết lộ, nửa đầu năm 2016 nhu cầu săn tìm nhà phố mặt tiền của nhóm khách hàng có trong tay chục tỷ trở lên khá rầm rộ. Có những giao dịch thành công giá trị vọt lên hàng chục tỷ đồng và đa số khách hàng mua để cho thuê chứ không dùng để ở. "Đây là sản phẩm giá trị cao, kén khách, người mua đã có nhiều nhà, nhiều đất và mục tiêu chính là tìm kênh trú ẩn an toàn", anh Nguyên cho hay.
Theo báo cáo của Data First (một đơn vị tiên phong sử dụng robot thông minh để rà soát tổng thể dữ liệu thị trường bất động sản TP HCM), 8 tháng qua, Sài Gòn ghi nhận 46.000 tin rao mua bán nhà phố mặt tiền trên hệ thống internet. Con số này đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, tức 8 tháng đầu năm 2015, chỉ có 32.000 tin rao mua bán nhà phố mặt tiền. 
Data First cho biết thêm, 8 tháng qua, loại nhà phố mặt tiền xuất hiện tin rao mua bán nhiều nhất tại TP HCM có diện tích đất 70-100m2 (12.000 tin). Khu vực được rao bán nhiều nhất là quận Tân Phú (11.000 tin), theo sau là quận Tân Bình. Trong khi giá trị nhà phố mặt tiền được rao nhiều nhất rơi vào nhóm bất động sản có mức giá 4-10 tỷ đồng (21.000 tin rao).
Trao đổi với VnExpress, CEO Công ty Propzy Việt Nam, John Le cho biết: "Khác biệt lớn nhất so với bất động sản nhiều nước phát triển là tại thị trường Việt Nam tồn tại văn hóa nhà mặt tiền và giá trị tài sản này ngày càng lớn, bền vững theo thời gian".
Tại Việt nam, hầu hết các nhà mặt tiền đều có giá rất cao nên chỉ có nhóm nhà đầu tư thuộc tầng lớp người giàu mới đủ khả năng tài chính sở hữu. Theo chuyên gia này, kịch bản của nhà phố mặt tiền đầy lạc quan trong thời gian tới. Đây là nhà loại hình bất động sản tận dụng, khai thác tối đa cho việc kinh doanh, từ mua bán lẻ các mặt hàng nhu yếu phẩm, dịch vụ ăn uống, đến văn phòng công ty, trường học… Điều này đã tạo thành nếp sống “văn hóa nhà mặt tiền”.
Thực tế tồn tại là trụ sở các cơ quan từ trung ương đến địa phương cũng bố trí ở mặt tiền các tuyến đường trong thành phố. Các phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng được yêu cầu đi lại hàng ngày. Chưa kể các trường học từ tiểu học, phổ thông đến cao đẳng, đại học cũng chiếm mặt tiền.
"Làn sóng săn tìm nhà mặt phố để 'chọn mặt gửi vàng' có thể sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới vì tầng lớp trung lưu mới nổi tại các đô thị lớn của Việt Nam đang phát triển nhanh và người giàu mới theo đó cũng tăng lên", ông John Le dự báo.

Khách báo mất hơn 22 triệu đồng ở trong tài khoản ngân hàng

Chị Hạnh ở TP HCM cho biết, chị đang dùng thẻ ghi nợ quốc tế Visa debit của Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank khoảng hơn một năm nay. Thẻ được liên kết với tài khoản ATM có số dư hơn 240 triệu đồng. Trước giờ chị chủ yếu sử dụng để thanh toán cước phí xe hoặc mua vé máy bay...

Khẳng định thẻ ghi nợ Visa và ATM vẫn đang ở bên cạnh, đồng thời chưa cho ai mượn hay tiết lộ mật mã cá nhân hoặc truy cập vào trang web giả, nhưng tài khoản của chị Hạnh vẫn bị mất hơn 22 triệu đồng ngay trong đêm.

Vào khoảng 20h30 ngày 1/9, chị phát hiện trong điện thoại đang có tin nhắn đến liên tục, báo đã chuyển thành công tổng số tiền hơn 22 triệu đồng đến một tài khoản khác. Cứ một giao dịch chuyển thành công là trừ 5,3-6 triệu đồng và được thông báo bởi bốn tin nhắn: trừ tiền từ tài khoản thẻ ATM, trừ tiền từ tài khoản thẻ ghi nợ quốc tế Visa...
"Với 4 giao dịch chuyển tiền thành công, tôi nhận được khoảng mười mấy tin nhắn dồn dập gửi đến điện thoại. Tá hoả, kiểm tra lại thì tôi vẫn thấy thẻ còn trong ví và trước giờ chưa bao giờ tiết lộ mật mã cá nhân cho ai", chị nói.
khach-lai-bao-mat-hon-22-trieu-dong-trong-tai-khoan-ngan-hang
Tin nhắn báo giao dịch thành công và trừ tiền trong tài khoản của chị Hạnh. 
Chị cho biết ngay lập tức gọi điện lên tổng đài thẻ nhờ khoá tài khoản nhưng đường dây bận. Chị nhờ bạn gọi vào đường dây nóng của Vietcombank dành cho khách nước ngoài thì có người nhận máy nên yêu cầu khoá thẻ. "Sau đó, do chưa yên tâm, tôi gọi tiếp vào đường dây nóng trong nước và lần này thì cũng gặp được nhân viên trực và tiếp tục yêu cầu khoá thẻ lại ngay", chị Hạnh cho biết.
Sáng 5/9, chị lên Vietcombank - Bình Thạnh để làm việc về số tiền bị mất thì nhân viên tiếp nhận hẹn 60 ngày sau ngân hàng mới làm tra soát xong. Bởi theo quy định của các tổ chức thẻ quốc tế, thời gian trả lời các tra soát là trong vòng 45 ngày. Trường hợp bên đối tác không trả lời, ngân hàng sẽ áp dụng biện pháp khác nên thông thường để hoàn tất việc tra soát cho khách là khoảng 60 ngày.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpressđại diện Vietcombank cho biết đã có buổi làm việc với khách hàng vào chiều 6/9 để xử lý vụ việc. Ngân hàng này đã đồng ý ứng trước khoản tiền cho chị Hạnh bị mất trong tài khoản thẻ, trước khi có kết quả tra soát.
Chị Hạnh cũng đã xác nhận thông tin trên và cho biết phía Vietcombank cho hay, sau khi có kết quả tra soát, nếu chị thật sự không sử dụng số tiền bị mất thì không phải hoàn lại cho ngân hàng. 
Một lãnh đạo Vietcombank chia sẻ thêm, trước đây đã có một số ít trường hợp tương tự xảy ra. Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy nguyên nhân bị mất tiền thường do chủ thẻ đã bị lộ thông tin thẻ khi cho người nhà hoặc người khác sử dụng…
Đại diện ngân hàng khuyến cáo, để hạn chế rủi ro khi sử dụng thẻ, khách hàng cần giữ gìn thẻ, bí mật số Pin, không cho người khác mượn, sử dụng thẻ, cũng như kịp thời liên hệ ngay với Trung tâm chăm sóc khách hàng để được hỗ trợ kịp thời.
Nhìn nhận về việc thời gian gần đây một số khách hàng liên tiếp bị mất tiền trong tài khoản thẻ do bị tội phạm mạng tấn công, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đó là sự cố rất bình thường, có thể xảy ra trong bất kỳ nền tài chính nào trên thế giới. Sự việc khách hàng bị mất tiền gần đây cũng là các trường hợp xảy ra đơn lẻ, tội phạm đánh cắp hoặc lừa đảo khách hàng, lấy được thông tin đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc số thẻ thanh toán thông qua các bên nằm ngoài hệ thống ngân hàng...
Mặt khác, theo ông Hiếu, khi các ngân hàng Việt Nam phát triển lớn mạnh, số lượng khách hàng ngày một nhiều thì sẽ đi cùng với việc bảo mật ngày một phức tạp và áp lực hơn. Nhất là khi tội phạm mạng luôn chạy trước, đón đầu về công nghệ thông tin.

Khách online dành cả tháng để tìm thông tin để mua món hàng

Nghiên cứu được thực hiện bởi các giáo sư Bart Bronnenberg (Đại học Tilburg, Hà Lan), Jun Kim (Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, Trung Quốc), Carl Mela (Đại học Duke, Mỹ).

Đa phần khách hàng xác định trước thứ mình muốn mua, nhưng dành tháng trời chỉ để tìm kiếm các thông tin xung quanh trước khi quyết định đặt hàng.

Từ lịch sử duyệt web và mua sắm của hơn 2 triệu người thu thập trong vòng 3 tháng, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy nhiều điểm chung trong hành vi mua sắm của người dùng.

khach-online-danh-ca-thang-tim-thong-tin-de-mua-mon-hang
Người mua hàng trực tuyến lựa chọn khá kỹ trước khi mua sản phẩm mình muốn.
"Người dùng có nhiều hành vi tìm kiếm sản phẩm khác nhau. Một số đã chuẩn bị sẵn, số khác lại tìm kiếm lan man, nhưng thường kéo dài cả tháng trời và xem qua rất nhiều sản phẩm", giáo sư Carl Mela cho hay. Nghiên cứu có sự tham gia của ông cho thấy khoảng 25% khách hàng tìm kiếm và mua sản phẩm chỉ trong một phiên online. Thời gian mua trung bình nói chung sẽ lâu hơn, khoảng 15 ngày và trải qua tầm 6 phiên online. 
Tuy nhiên, đa số người dùng mất cả tháng trời để tìm kiếm món hàng rồi mới quyết định mua. Có khoảng 40% khách hàng chỉ tìm kiếm một thương hiệu và 20% tìm một mẫu hàng nhưng nhìn chung người mua sẽ tìm kiếm thông tin của khoảng 3 thương hiệu và 6 mẫu hàng khác nhau.
Với các nhà làm marketing, chu trình tìm kiếm online kéo dài sẽ là cơ hội lớn cho họ nhằm kích thích khách hàng tìm kiếm, khám phá ra các sản phẩm mới trong quá trình mua hàng. Tuy nhiên giáo sư Bronnenberg cho hay điều khiến ông và các đồng sự ngạc nhiên là khách hàng không "khám phá" hàng loạt sản phẩm được cung cấp theo gợi ý. "Thứ họ quyết định mua khả năng cao sẽ là sản phẩm họ tìm được trong ngày đầu tiên của quá trình tìm kiếm", Bronnenberg nói.
Điều này cho thấy khách hàng đã hình thành suy nghĩ về chất lượng, tính năng của sản phẩm mà họ muốn trong đầu ngay khi bắt đầu tìm kiếm. Việc đi tham khảo thông tin chỉ nhằm định hình lại những gì họ biết về sản phẩm trong ngày đầu tìm thông tin.
Phát hiện này có thể khiến một số người nghĩ rằng các nhà bán lẻ và quảng cáo khó tác động đến quyết định mua hàng cuối cùng. Tuy nhiên, theo giáo sư Jun Kim, suy nghĩ trên có thể là sai lầm. "Thực tế, mẫu chính xác mà người dùng muốn mua vẫn có thể bị ảnh hưởng và kết quả chỉ có thể xác định khi họ bấm nút mua", ông cho hay. 

Bộ Công Thương thu về gần 140 tỷ đồng từ đấu giá hạn ngạch nhập đường

Tại phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016 lần đầu tiên được Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/9, có 25 hồ sơ của doanh nghiệp tham gia, trong đó có 22 hồ sơ hợp lệ.

Trong số các đơn vị tham gia, có 3 "đại gia" trong ngành đồ uống trúng đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường tinh luyện năm 2016 là Coca Cola, Nestle và Vinamilk.

 Lần đấu giá thí điểm này được phân thành hai nhóm, khi những thương nhân sản xuất đường chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường thô với tổng khối lượng 40.000 tấn.

Các thương nhân sử dụng đường như các công ty sản xuất bánh kẹo, nước giải khát… sẽ tham gia đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường tinh luyện. Số lượng đấu giá là 45.000 tấn.
Theo kết quả của phiên đấu giá, tổng số tiền Bộ Công Thương thu về đạt khoảng 138 tỷ đồng. Có 8 đơn vị trúng ​đấu giá mặt hàng đường tinh luyện, trong đó phải kể tới một số "đại gia" ngành đồ uống như: Công ty Nước giải khát Coca Cola Việt Nam được nhập 4.000 tấn; Công ty TNHH Nestle Việt Nam trúng 9.000 tấn, Công ty cổ phần sữa Vinamilk trúng 16.000 tấn....
lan-dau-tien-dau-gia-han-ngach-nhap-khu-duong-bo-cong-thuong-thu-ve-hon-1-7-lan-gia-khoi-diem
Số lượng đường tinh luyện được phép nhập khẩu năm 2016 là 45.000 tấn. Ảnh: M.H
Riêng mặt hàng đường thô chỉ có 3 trong số 8 đơn vị tham gia trúng đấu giá lần này là Công ty cổ phần Đường Biên Hòa, Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (mỗi doanh nghiệp được nhập 14.444 tấn) và Công ty Đường Khánh Hòa (11.110 tấn).
Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết trước đây, các công ty lớn sẽ được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường nhưng số lượng hạn chế. Nếu không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải mua thêm của các nhà máy trong nước hoặc đàm phán với các đối tác nhập khẩu khác với mức giá cao hơn. Hơn nữa, việc phân quota nhập khẩu đường cũng dễ dẫn tới tình trạng xin - cho. Vì thế cuối tháng 6/2016 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 07 quy định về nguyên tắc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016.
Dự kiến sau khi công bố kết quả, trong vòng 5 ngày, đơn vị trúng thầu phải chuyển tiền đã đấu giá thành công và sau 7 ngày công ty nào không trúng sẽ được hoàn lại tiền đặt cọc tham gia đấu giá.
Đánh giá của Bộ Công Thương về giá và tiêu thụ từ đầu năm đến nay cho thấy, mặt hàng đường trong nước liên tục tăng giá, mức tăng bình quân 10-15% so với đầu vụ và tăng 20-30% so với cùng kỳ 2015. Trong khi đường có dấu hiệu sốt giá thì nguồn cung trong nước lại giảm. Tính toán sơ bộ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSA) cho biết, sản lượng mía mùa vụ 2015-2016 giảm gần 200.000 tấn, khoảng 10% so với niên vụ trước.
Giá bán đường trong nước bị đẩy lên cao, cùng tình trạng "găm" hàng chờ giá buộc Bộ Công Thương tính tới phương án triển khai đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường để bù lượng đường thiếu hụt, hạ nhiệt giá bán trong nước.

Ông Trần Bắc Hà thôi đại diện 40% vốn Nhà nước tại BIDV

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định ông Trần Bắc Hà - người vừa rời vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thôi làm người đại diện 40% phần vốn Nhà nước tại BIDV để nghỉ hưu từ ngày 1/9.

Sau khi nghỉ hưu và rời BIDV, ông Trần Bắc Hà không còn là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.



Với mức vốn điều lệ 34.000 tỷ đồng tại BIDV hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nắm giữ 95,28%. Đến nay, vốn của Nhà nước tại BIDV chỉ còn do 2 thành viên đại diện là ông Phan Đức Tú (30%) - Tổng giám đốc BIDV và ông Đặng Xuân Sinh – thành viên HĐQT BIDV (30% vốn).
Cùng với việc ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, BIDV đã bầu ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên Hội đồng quản trị phụ trách điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị. Theo đó, ông Trần Anh Tuấn đã thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một Chủ tịch Hội đồng quản trị tại BIDV cũng từ thời gian này.
Ông Trần Bắc Hà với hơn 35 năm gắn bó tại BIDV được xem là một linh hồn của ngân hàng. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).
Ông Trần Anh Tuấn - người được HĐQT bầu để điều hành hoạt động của ngân hàng, sinh năm 1958. Ông gắn bó với BIDV từ năm 1981, từng là tổng giám đốc BIDV từ năm 2008 đến năm 2012, trước khi là thành viên HĐQT của ngân hàng.

Cá khô châu Phi tăng giá nhờ phơi ở trong nhà kính

Thay vì phơi cá ngoài trời một cách mất vệ sinh, người dân tại miền nam Malawi (châu Phi) đã cải thiện được năng suất và giá trị cá khô nhờ vào giải pháp vô cùng đơn giản là phơi trong nhà kính bằng nhựa PE.

1 tỷ đồng một lò đốt rác thải sinh hoạt từ 'Made in Vietnam'

Nhà máy chế tạo thiết bị T-TECH thuộc Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam đã nghiên cứu trong 5 năm để cho ra mắt ra lò đốt rác thải sinh hoạt Model CNC.

Trong vòng 1-3 tháng xây dựng, các địa phương đã có thể vận hành hệ thống xử lý chất thải nội địa này.

Sản phẩm tích hợp nhiều nguyên lý khoa học, tạo thành chu trình công nghệ khép kín, từ khâu sấy rác, đốt rác, đốt tro, đốt khí, tản nhiệt, bẫy bụi đến xử lý khí độc.
Lò có công suất xử lý 300-5.000 kg một giờ, tương đương 7,2-120 tấn một ngày cho một lò đốt.
40-ty-dong-mot-lo-dot-rac-thai-sinh-thai
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế lò đốt rác T-TECH tại huyện Việt Yên, Bắc Giang.
"Chúng có khả năng đốt kiệt rác mà không tạo ra ô nhiễm thứ cấp, khí thải đầu ra theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường", Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng, tác giả nghiên cứu sản phẩm lò đốt rác T-TECH khẳng định.
Về giá thành, đối với các xã nông thôn mới, tùy theo số dân, cần đầu tư lò đốt trị giá 1-2 tỷ đồng. Ở cấp huyện, thị trấn có thể chọn sản phẩm giá 3-6 tỷ. Suất đầu tư nhà máy xử lý rác cho cấp tỉnh, quy mô lớn và hoàn thiện (từ 100 tấn – 1000 tấn/ngày), đảm bảo chất lượng xử lý môi trường trong quá trình đốt có mức đầu tư từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/tấn rác. Nhà máy có khả năng tái chế hạt nhựa tiêu chuẩn, phân hữu cơ cao cấp, sản xuất gạch không nung và một số sản phẩm tái chế khác (tái chế tới 50% lượng rác, chôn lấp dưới 5%).
Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng - tác giả của Lò đốt rác T-TECH, Chủ tịch T-TECH Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng - tác giả của Lò đốt rác T-TECH, Chủ tịch T-TECH Việt Nam.
Theo đại diện tập đoàn, khoảng thời gian đầu tư xây dựng khoảng 1-3 tháng. Sản phẩm được đội ngũ chuyên gia dày công nghiên cứu, thiết kế cầu kỳ, được tích hợp nhiều nguyên lý khoa học một cách bài bản, tạo thành một chu trình công nghệ khép kín và tối ưu, từ khâu: sấy rác - đốt rác - đốt tro - đốt khí - tản nhiệt - bẫy bụi và xử lý khí độc. Điều này giúp cho lò đốt rác T-TECH có thể đốt kiệt rác mà không tạo ra ô nhiễm thứ cấp, khí thải đầu ra luôn đạt theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN: 61-MT:2016/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng - tác giả của Lò đốt rác T-TECH, Chủ tịch T-TECH Việt Nam chia sẻ, có 3 vấn đề lớn trong quá trình thiết kế để lò đốt rác đạt nhiệt độ cao mà không cần dùng nhiên liệu phụ trợ. Đó là khả năng cách nhiệt và giữ nhiệt của tường lò; khả năng bức xạ nhiệt tối ưu trong hệ thống buồng đốt; việc lưu chuyển dòng khí nóng.
Nhờ vậy, lò đốt rác T-TECH có thể đạt trên 700 độ C tại buồng đốt sơ cấp, trên 1.000 độ C tại buồng đốt thứ cấp mà không cần dùng nhiên liệu phụ trợ.
40-ty-dong-mot-lo-dot-rac-thai-sinh-thai-1
Nhiệt độ buồng đốt sơ cấp đạt 977 độ C khi đốt tại huyện Việt Yên, Bắc Giang
Công nghệ sản xuất lò đốt rác thải sinh hoạt đã được giới chuyên môn trong nước và quốc tế quan tâm những năm qua. Tuy nhiên, chưa có nhiều sản phẩm công nghệ phù hợp và tối ưu trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt nông thôn. Do đó, vấn nạn ô nhiễm nguồn nước và không khí do rác thải sinh hoạt gây ra vẫn ở mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Một số công nghệ nước ngoài được giới thiệu tại TP Hà Nội, TP HCM và nhiều vùng trên cả nước nhưng vẫn chưa áp dụng vào thực tế, do đặc thù rác thải sinh hoạt ở Việt Nam không có sự phân loại từ đầu nguồn, thành phần phức tạp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng, đó là lý do các công nghệ nước ngoài khó xử lý rác thải ở Việt Nam. Cũng có thể vì công nghệ quá “sang chảnh”, đầu tư nhiều, dẫn đến đơn giá xử lý cao, vượt khả năng chi trả của người mua.
T-TECH có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường Việt Nam. 

8% sản lượng điện tổn thất ở mỗi năm

Số liệu được Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) - Ngô Sơn Hải công bố tại hội nghị về công tác giảm tổn thất điện năng vừa qua cho thấy mức hao hụt trong hệ thống của EVN đã giảm dần trong 5 năm, từ 10,15% xuống còn 7,94%. 

Tỷ lệ tổn thất tuy giảm xuống dưới 8% những năm gần đây song với 160 tỷ kWh điện được sản xuất mỗi năm, con số hao hụt bị tính vào giá điện là rất lớn. 

"Với sản lượng năm 2015 khoảng 160 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất điện giảm 1% cũng có ý nghĩa vô cùng lớn", ông Hải chia sẻ và cho biết mục tiêu của EVN trong 5 năm tới là đưa tỷ lệ này về khoảng 6,5%. 



Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực, tổn thất điện năng được tính vào giá điện, nên tỷ lệ càng cao thì khách hàng càng phải trả nhiều tiền "oan". Vì vậy, giảm tỷ lệ tổn thất là thách thức với "ông lớn" ngành điện hiện nay.
8-san-luong-dien-ton-that-moi-nam
Ngành điện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống 6,5% vào 2020. Ảnh: NPT
Thừa nhận thách thức nêu trên, Phó tổng giám đốc EVN - Ngô Sơn Hải chia sẻ rằng ngành điện rất muốn giảm nhanh tỷ lệ tổn thất song điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn, lưới điện, vốn đầu tư...
"Nhiều người thắc mắc vì sao không giảm tỷ lệ tổn thất điện về 0%? Ngành điện cũng rất mong muốn như vậy, nhưng có giảm được hay không còn phụ thuộc vào đặc tính kỹ thuật của hệ thống. Hệ thống nguồn, lưới truyền tải điện càng tập trung, tổn thất càng nhỏ và ngược lại", lãnh đạo EVN giải thích.
Ông Hải cho hay trong vòng 5 năm tới, EVN sẽ tập trung nguồn lực vốn "đổ" vào đầu tư xây dựng hệ thống lưới, nguồn điện. Đơn cử, tập đoàn này sẽ đầu tư 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 7.000 MW, cũng như đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm như Nhiệt điện Duyên hải 3 (1.244MW), Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (1.200MW)... 
Cùng với đó, EVN sẽ tập trung đầu tư các công trình nâng cao năng lực hệ thống điện truyền tải, đấu nối và giải toả công suất nguồn điện; phát triển vành đai lưới điện ở cấp điện áp 500kV, 220kV khu vực Hà Nội, TP HCM và các vùng kinh tế trọng điểm...

Vàng quay đầu để giảm giá

Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.345,32 USD mỗi ounce trong khi từng có lúc chạm mức cao nhất từ ngày 19/8 ở 1.352,65 USD. Vàng kỳ hạn cũng trượt 0,3% giá trị vào cuối phiên khi còn 1.349,2 USD. 

Giá vàng bắt đầu đi xuống hôm qua do các nhà đầu tư chốt lời sau khi quý kim này từng leo lên mức cao nhất 2 tháng ở phiên trước đó.



vang-quay-dau-giam-gia
Giá vàng từng lên sát 1.375 USD trong năm 2016 nhưng cũng từng mất mốc 1.300 USD trong gần đây. Ảnh: Telegraph.
Trong khi đó, hôm qua vàng SJC trong nước đóng cửa ở 36,44 - 36,52 triệu đồng mỗi lượng. 
Giá vàng phiên này quay đầu giảm nhẹ do lực chốt lời của các nhà đầu tư lớn. Họ cho rằng, đây là thời điểm phù hợp bởi giá vàng đã bất ngờ vươn lên mức cao nhất trong 4 phiên với đà tăng mạnh.
Ngược lại, Dollar Index - chỉ số đo lường tương quan giữa đồng bạc xanh này và các đồng tiền mạnh khác trong rổ tiền tệ tăng nhẹ 0,2%.
Hoạt động tại khu vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 8 tăng trưởng chậm xuống mức thấp hơn 6 năm, sản lượng và các đơn đặt hàng cũng giảm mạnh. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ có thể tiếp tục kém khả quan và cơ hội về một đợt tăng lãi suất sớm sẽ không còn nhiều.
Đồng thời, chỉ số đo lường những hợp đồng mới khu vực phi sản xuất của Mỹ tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 12/2013. Tất cả những thông tin này cùng khiến cơ hội Fed nâng lãi suất sớm trở nên khó khăn hơn, đồng nghĩa hỗ trợ giá vàng. Nhờ vậy, giá kim loại quý này tăng mạnh.
Riêng trong năm 2016, giá vàng đã có lúc leo lên 1.374,91 USD vào tháng 7 ngay sau khi người Anh quyết định bỏ phiếu rời bỏ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, kể từ đó giá thường xuyên giảm và thậm chí còn từng xuống dưới vùng 1.300 USD vào đầu tháng này.
Trong hôm thứ 3, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR đã tiếp tục gia tăng lượng vàng nắm giữ. Tính theo ngày, tổng tài sản tăng thêm của SPDR trong ngày này tăng kỷ lục từ 5/7, lên 952,14 tấn.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ TP HCM, Hà Nội đồng loạt giảm

Đơn vị này vừa công bố báo cáo Sổ tay thị trường Việt Nam 2016, trong đó, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại 2 đô thị lớn nhất cả nước đều có dấu hiệu đi xuống.

Mặt bằng bán lẻ ở TP HCM có giá thuê rớt trung bình 2% một năm tính từ 2012, còn Hà Nội trượt mạnh hơn, mất trung bình 6,8%, theo Savills Việt Nam.

Giá thuê bán lẻ ở Hà Nội có xu hướng giảm trong cả ba khu vực, mức giảm nhiều nhất thuộc khu vực cao cấp ở mức -7,8% một năm do nhiều trung tâm bán lẻ chất lượng cao gia nhập thị trường ở khu vực ngoài trung tâm có mức giá thuê thấp hơn. Trong khi đó, TP HCM vẫn ghi nhận một số khu có giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng nhẹ.

gia-thue-mat-bang-ban-le-tp-hcm-va-ha-noi-dong-loat-giam
Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại 2 đô thị lớn nhất Việt Nam đều trên đà giảm. Ảnh: Vũ Lê
Trong nửa cuối năm 2015, giá thuê của phân khúc bán lẻ cao cấp của Hà Nội chạm mốc 124 USD một m2 và TP HCM đạt 118 USD. Giai đoạn 2010-2015, giá thuê của Hà Nội giảm 3,5% mỗi năm, trong khi TP HCM tăng nhẹ gần một phần trăm. Phân khúc bán lẻ của TP HCM và Hà Nội cùng trong giai đoạn phát triển non trẻ. Cả hai thành phố đều có mức giá thuê trung bình tương đương 10% so với Hong Kong, một trong những thành phố có mức giá cao nhất thế giới, hơn gần gấp đôi so với thị trường xếp thứ hai là Singapore.
Thống kê của đơn vị này, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ của 8 thành phố lớn nhất Việt Nam đạt 2,8 triệu m2, trong đó TP HCM và Hà Nội chiếm 75%. Tuy nhiên, các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur có mật độ cao hơn nhiều so với Việt Nam, lần lượt ở mức 0,9, 0,7 và 0,7m2 một người.
Savills dự báo, với mức thu nhập tăng, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh, và nhu cầu giải trí cùng với số lượng gia đình hạt nhân giảm, chi tiêu của người tiêu dùng hiện đại Việt Nam tập trung vào việc cải thiện mức sống và nâng cấp phương tiện đi lại.

Giá vàng giảm ít theo thế giới

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI lúc 8h20 báo giá vàng miếng SJC ở 36,43 - 36,5 triệu đồng, giảm 10.000 đồng chiều mua vào và 20.000 đồng chiều bán ra so với chốt phiên 7/9. 

Mỗi lượng vàng chỉ giảm 10.000-20.000 đồng so với giá đóng cửa hôm qua trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn chưa muốn tham gia thị trường.



gia-vang-giam-nhe-theo-the-gioi
Giá vàng miếng SJC hiện chỉ đắt hơn vàng quốc tế (quy đổi theo tỷ giá) khoảng 300.000 đồng. Ảnh: Q.Đ.
Tương tự, tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng miếng SJC là 36,35 - 36,55 triệu đồng.
Trên thế giới, giá vàng quốc tế dao động quanh 1.346 USD mỗi ounce. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ trên 300.000 đồng mỗi lượng - mức chênh lệch thấp nhất từ đầu tháng 9 đến nay.
Tình hình giao dịch vàng miếng trong ngày hôm qua khá ổn định dù giá tăng mạnh. Đa số nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tự tin trước những nhịp biến động của thị trường vàng nên quyết định đứng ngoài nghe ngóng, quan sát diễn biến chờ thời điểm tối ưu nhất.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại DOJI, những bước tăng nhanh rồi đảo chiều thực sự đang là bài toán khó khi giá vàng trong nước đang đứng trước những ngã rẽ và chịu tác động trực tiếp từ thị trường quốc tế.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại vẫn giữ vững ở 22.260 - 22.330 đồng đổi một đôla.

Cổ phiếu Nintendo tăng vọt bởi vì Super Mario có trên iPhone

Tin tức này được công bố trong sự kiện ra mắt iPhone 7 và iPhone 7 Plus của Apple hôm qua. Theo đó, Super Mario Run sẽ được đưa lên App Store của Apple vào tháng 12. 

Giá chứng khoán của Nintendo có lúc tăng 18% trên sàn Tokyo sáng nay sau thông báo phiên bản mới nhất của game Super Mario có mặt trên iPhone.

Người dùng được tải miễn phí, nhưng sẽ phải trả tiền nếu muốn chơi đầy đủ các tính năng. Ông Shigeru Miyamoto - người tạo ra Super Mario cho biết phiên bản Android của trò chơi này cũng sẽ ra mắt trong thời gian tới.

co-phieu-nintendo-tang-vot-vi-super-mario-co-tren-iphone
Shigeru Miyamoto giới thiệu về sự xuất hiện của Super Mario trên App Store. Ảnh:Engadget
Smartphone đang là nguồn doanh thu tăng trưởng nhanh nhất của ngành game thế giới, trong khi Nintendo từ lâu vẫn bị chỉ trích vì chậm chân tham gia thị trường này. Đầu năm nay, họ đã ra mắt game có tên Miitomo và cũng lên kế hoạch tung nhiều game khác từ nay đến tháng 3/2017.
Vài tháng trước, cổ phiếu Nintendo cũng tăng vọt nhờ sự ra mắt của Pokemon Go. Đây được coi là game di động thành công nhất thế giới. Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng sau đó đi xuống, khi nhà đầu tư nhận ra Nintendo sẽ không hưởng lợi nhiều từ cơn sốt này, do chỉ đóng vai trò gián tiếp trong việc tạo ra Pokemon Go.
Apple cũng đang tận dụng sự phổ biến của các game online. Pokemon Go sẽ lần đầu tiên xuất hiện trên đồng hồ thông minh - Apple Watch. Thiết bị này sẽ báo rung mỗi khi người dùng đến gần Pokemon hoặc Pokestop (nơi lấy vật phẩm miễn phí).

Sáu tháng Bia ở Sài Gòn lãi gần 2.000 tỷ đồng

Báo cáo tài chính 6 tháng của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho thấy, doanh thu thuần đạt 14.323 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm của Sabeco đã tăng đột biến từ 1.631 tỷ lên 11.682 tỷ đồng. 

Doanh thu thuần tăng gấp 3,7 lần, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm một nửa giúp Sabeco lãi gần 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng. 

Giá vốn hàng bán trong kỳ cũng tăng vọt lên 12.251 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp Sabeco nửa đầu năm còn 2.072 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm chi phí bán hàng thay đổi không lớn, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm một nửa xuống còn 115 tỷ đồng. Trừ tất cả chi phí phát sinh, 6 tháng công ty này lãi sau thuế 1.971,5 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2015. Như vậy, mỗi tháng Sabeco thu 328,5 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động kinh doanh.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc Sabeco cho biết, 6 tháng đầu năm sức tiêu thụ bia trên thị trường của công ty tăng trên 11%. Tính chung 8 tháng, công ty đã tiêu thụ hơn 1 tỷ lít bia, tăng 9% so với cùng kỳ 2015. Dự kiến, những tháng cuối năm tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn. 
Tính đến 30/6, tổng tài sản Sabeco đạt 18.131 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền mặt và tương đương chiếm 8.357 tỷ, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 1.165 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn gần 4.100 tỷ, công ty đã trích lập dự phòng 510 tỷ đồng. Trong đó, 2 khoản đầu tư vào Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông là 216,5 tỷ đồng (dự phòng 158 tỷ) và 136 tỷ đồng vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (dự phòng 111 tỷ). Ngoài ra, Sabeco còn nắm giữ 0,47% cổ phần tại Eximbank.
Hiện Bộ Công Thương vẫn nắm giữ 89,59% cổ phần tại Sabeco. Hồi cuối tháng 8, Bộ này cho biết, đã chốt lộ trình niêm yết, phương án thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn.
Theo đó, lộ trình thoái vốn sẽ chia làm 2 đợt: Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt 2 sẽ thoái tiếp 36% còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Người thành công làm gì vào trước bữa sáng

Phù thủy trang điểm Michelle Phan vừa đọc email vừa tắm, ông chủ Starbucks - Howard Schultz dắt thú cưng đi dạo, còn Warren Buffett ngủ dậy là đọc báo.


1. Howard Schultz
Với Chủ tịch kiêm CEO Starbucks, buổi sáng luôn là thời điểm tập thể dục và thưởng thức cafe. Schultz thức dậy lúc 4h30 sáng và dắt 3 chú chó đi dạo. Sau đó, ông tiếp tục đạp xe để tập luyện và cùng vợ pha cafe.
 
2. Richard Branson
Trong một bài viết trên blog cá nhân năm 2014, ông chủ Virgin Group cho biết: “Trong hơn 50 năm làm kinh doanh, tôi đã học được rằng nếu dậy sớm, tôi có thể làm được nhiều thứ hơn trong ngày và cả trong cuộc sống nữa”. Tỷ phú thường thức dậy lúc 5h, rồi đọc báo, trả lời email, sắp xếp công việc trong ngày và tập thể dục.
 
3. Michelle Phan
Phù thủy trang điểm gốc Việt cho rằng sáng sớm là thời điểm có thể làm rất nhiều việc. Cô kiểm tra email khi đang tắm, tập thể dục kết hợp đánh răng và có thể vừa chống đẩy vừa đọc email.
 
4. Warren Buffett
Năm 2007, tỷ phú đầu tư từng cho biết ông đọc rất nhiều. Mỗi sáng của ông bắt đầu bằng việc đọc Wall Street Journal, rồi đến USA Today, Forbes, Financial Times và cả New York Times.
 
5. Mark Cuban
Tỷ phú đầu tư kiêm ngôi sao chương trình cấp vốn khởi nghiệp Shark Tank sáng nào cũng làm việc khi còn đang ngồi trên giường. “Công việc chính là liều thuốc cho mỗi buổi sáng của tôi. Tôi thức dậy là làm ngay”, ông nói.
 
6. Ursula Burns
Chủ tịch kiêm CEO Xerox thức dậy lúc 5h16 và ngay lập tức kiểm tra email. Hai lần một tuần, bà cũng có lịch tập luyện riêng lúc 6h sáng.
 
7. Jack Dorsey
Đồng sáng lập Twitter ngủ dậy lúc 5h sáng, rồi ngồi thiền 30 phút. Sau đó, anh chạy bộ gần 10km và uống một cốc cafe. 
 
8. Arianna Huffington
Tỷ phú truyền thông thường tập yoga và ngồi thiền vào sáng sớm. Bà nổi tiếng với quan điểm để có buổi sáng hiệu quả, con người cần một giấc ngủ hiệu quả.

Ông chủ thế hệ 9x nhượng quán trà sữa để làm ứng dụng di động

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính quốc tế Đại học Ngoại thương TP HCM, được nhiều công ty chào đón nhưng Phan Thành Đạt đều lắc đầu từ chối để theo đuổi đam mê khởi nghiệp đã “thai nghén” từ lâu.

Đang kinh doanh ổn định với nguồn thu 60 triệu đồng mỗi tháng, Phan Thành Đạt quyết định bán quán để đầu tư dự án công nghệ nhiều rủi ro.

Đầu năm 2015, Đạt gom toàn bộ số tiền tiết kiệm, thuê mặt bằng đối diện cổng trường đại học để mở quán cà phê sinh viên. Hơn 80 triệu đồng được ông chủ sinh năm 1992 đầu tư mua máy pha chế, nguyên liệu, lắp máy điều hòa và trang trí quán. Sau vài tháng hoạt động, Đạt chuyển hướng sang kinh doanh trà sữa vì nhận thấy đồ uống này thích hợp hơn cho đối tượng khách chủ yếu là sinh viên nữ, các hội nhóm và câu lạc bộ thường xuyên tổ chức họp mặt. Thời điểm cách đây một năm, quán trà sữa của Đạt là nơi duy nhất trong khu vực này có không gian rộng rãi, trang bị máy điều hòa nên rất hút khách và mang lại doanh thu hơn 60 triệu đồng mỗi tháng.
ong-chu-9x-nhuong-quan-tra-sua-de-do-tien-vao-ung-dung-di-dong
Phan Thành Đạt nhận học bổng “Lãnh đạo tài năng” trị giá 300 triệu đồng tại Ngày hội khởi nghiệp 2016.
Khi công việc kinh doanh vào guồng ổn định thì Đạt bất ngờ nhượng lại quán, thu hồi gần 100 triệu đồng để chuyển sang đầu tư vào giáo dục trực tuyến. Đạt chia sẻ, quyết định này khiến không ít bạn bè cho là điên rồ nhưng bản thân chưa bao giờ hối tiếc vì thấy được tiềm năng của dự án mới.  
Nắm bắt nhu cầu học trực tuyến ngày càng được ưa chuộng, nhưng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh rất hạn chế nên Đạt kết hợp cùng một vài người bạn xây dựng ứng dụng hỗ trợ học tập trên di động.
“Trước đây khi còn làm gia sư, thỉnh thoảng có những bài tập khó không đủ thời gian hướng dẫn trực tiếp cho học sinh, tôi thường hẹn các em dùng công cụ tranh vẽ Doodle của Yahoo!Messenger để giải thích cặn kẽ hơn. Tôi và các thành viên trong nhóm nhận thấy hình thức tương tác này rất tiện ích, có thể phát triển thêm các tính năng mới để hoàn thiện thành ứng dụng riêng biệt”, Đạt chia sẻ về ý tưởng ra đời ứng dụng mang tên Alfazi.
Kể về những ngày đầu phát triển dự án, Đạt bộc bạch toàn bộ vốn liếng và tâm huyết của nhóm sáng lập dồn hết vào ứng dụng này nên mọi chi tiêu cá nhân đều được tiết kiệm tối đa. Căn phòng thuê trọ được trưng dụng làm trụ sở của công ty. Một thành viên kiêm nhiệm cùng lúc nhiều việc để cắt giảm chi phí thuê bên ngoài như lập trình, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, quản lý tài chính, gia sư giải bài tập...
Khác với những website giảng bài trực tuyến, ứng dụng này vận hành thông qua tương tác bằng công cụ bảng trắng (whiteboard) để ghi chép bằng bút cảm ứng, cuộc gọi thoại (voice chat) để giảng bài và tính phí bằng hình thức đo thời gian trực tuyến (realtime interation). Học sinh chụp ảnh đề bài, đăng lên ứng dụng kèm yêu cầu chi tiết và chọn gia sư hướng dẫn cách làm. Sau đó, nội dung trao đổi được ghi nhận thành hình ảnh như một bài giải hoàn chỉnh. Ứng dụng đang hướng đến đối tượng học sinh yêu thích các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, đặc biệt là nhóm đang trong giai đoạn chuyển cấp và ôn thi đại học.
Ứng dụng tính phí theo thời gian giảng bài trực tuyến bằng hình thức nạp tiền từ thẻ điện thoại vào tài khoản cá nhân, mức phí là 50.000 đồng mỗi giờ trao đổi với gia sư. Đạt cho biết, ban đầu mỗi tài khoản được tặng 10.000 đồng để trải nghiệm và tín hiệu đáng mừng là tỉ lệ người dùng thử nạp tiền để sử dụng tiếp tục khá cao.
Sau hai tháng ra mắt, ứng dụng giải bài trực tuyến Alfazi sở hữu hơn 5.000 lượt tải và 1.000 khách sử dụng thường xuyên. “Con số này có thể cao hơn vì theo lộ trình phát triển của nhóm thì ứng dụng sẽ đến với người dùng vào đầu tháng 5/2016 để đón đầu nhu cầu ôn luyện cho kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tuy nhiên, một số lỗi khi kiểm tra buộc nhóm phải gỡ ứng dụng và trì hoãn ngày ra mắt”, Đạt kể về sự cố đầu tiên khi phát triển ứng dụng.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, chàng giám đốc 9x cho biết ngoài việc củng cố ưu điểm nổi bật là giải nhanh và tương tác cao thì ứng dụng sẽ được phát triển thêm các tính năng mới như: “hỏi hẹn – đáp sau” (để người dùng không cần phải trực tuyến cùng lúc với gia sư mà vẫn xem được bài giảng), ôn luyện chuyên đề, lưu video bài giảng…
“Khởi nghiệp luôn đầy rủi ro và thách thức, điều này càng đúng hơn với những dự án công nghệ. Hiện Alfazi vẫn trong quá trình tiếp tục hoàn thiện về công nghệ nhưng có dấu hiệu đuối vốn do chi phí đầu tư cao mà doanh thu chưa như kỳ vọng. Song, sản phẩm nào cũng cần thời gian tiếp cận đối tượng người dùng tiềm năng, nên cả mình và các thành viên vẫn tin tưởng vào lộ trình phát triển đã đặt ra, đồng thời chuẩn bị gọi thêm vốn từ các quỹ khởi nghiệp”, chàng giám đốc trẻ tâm sự.